Những lý giải về tượng Phật đồng Tara

 

 

  Năm 1978, người dân xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam tình cờ phát hiện được tượng phật đồng Tara nữ. Ngay sau khi được phát hiện, bức tượng trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và giới chuyên gia. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)


Đến nay, dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng những điều bí ẩn chưa thể lý giải vẫn bao trùm quanh bức tượng phật đồng này.



Cái gì trong tay nữ thần?

Tượng nữ thần Tara uy nghi được đặt trang trọng tại gian phòng dành cho những hiện vật của Phật viện Đồng Dương. Nhiều du khách đến đây ngạc nhiên đến tò mò, khi nhìn thấy đôi tay của nữ thần còn thiếu một cái gì đó. Và đây cũng là câu hỏi đã khiến nhiều nhà nghiên cứu bỏ công sức để đi tìm được lời giải. Nhiều giả thuyết đoán định được đưa ra và đến nay thì sự thật đã được làm sáng tỏ.

 

 

 

Tượng Nữ thần Tara 


Theo miêu tả của PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thì toàn bộ đôi tay và phần trên của tượng Tara để trần và thể hiện một thân hình phụ nữ đẹp với cổ cao ba ngấn; Bộ ngực tròn đầy với đôi vú hình bán cầu và gần nhau; Bụng hơi phệ và cách vùng lồng ngực bởi một nếp nhăn đẹp và sâu; Mông nở, vai rộng, đôi tay trần khoẻ mạnh cùng đưa đôi bàn tay xòe to đang cầm một vật gì đó bằng ngón cái và ngón trỏ một cách cân xứng và duyên dáng.

Từ những nghiên cứu của mình, PGS.TS Ngô Văn Doanh cho rằng, hai vật trong tay của nữ thần Tara chính là hoa sen và tù và ốc. Bàn tay phải của nữ thần với ngón tay cái còn nguyên vẹn hơi cong vào tiếp giáp với phần còn lại của cuống sen dài 4,3cm chạy sát từ trong lòng bàn tay lên đến kẽ giữa hai ngón cái và ngón trỏ để lộ tiết diện của cuống sen có đường kính 1,5cm.

Bàn tay trái của tượng Tara với ngón tay cái còn nguyên dài 5cm và cong vào phía lòng bàn tay, ngón tay này cùng với phần dưới của ngón tay trỏ cùng tiếp giáp với một phần còn lại của miệng ốc dài 2,9cm (hơi cong có khe sâu) dính lại ở kẽ giữa hai ngón tay. Tara đã cầm con ốc biển bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ, phần miệng ốc quay xuống và tựa sát vào kẽ hai ngón tay, phần trôn ốc quay lên phía trên.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu, xét những biểu hiện đặc trưng nhất như các vật cầm tay là hoa sen và tù và ốc, cách thể hiện mình trần thì tượng Tara ở Đồng Dương chính là Avalokitesvara.


Sở dĩ Tara cầm hoa sen vì hoa sen tượng trưng cho hương sắc tinh khiết, tình yêu thương, trí tuệ, chứa đựng cả thiên đường và trần thế, mặt trời và mặt trăng, vẻ đẹp và sự sinh sôi nảy nở. Con ốc biển tượng trưng cho sự quán xuyến mọi âm thanh thế gian, sướng và khổ, vui và buồn, là vũ khí đầy quyền năng để thanh lọc, ban phát và tập hợp niềm hy vọng của mọi loài. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hai bảo vật trong tay tượng Tara giờ còn lưu lạc trong dân gian, chưa trở về với “nguyên chủ”.

 

Điều kỳ thú về sarong
 

Không chỉ ẩn chứa bí mật trong đôi bàn tay, tượng phật đồng Tara còn mang trong mình điều kỳ thú về chiếc váy quấn (ngôn ngữ Chăm gọi là sarong). Chiếc váy quấn có những đường nếp dọc, bó sát mình và buông dài đến mắt cá chân. Chạy dọc chính giữa sarong bên trong là các nếp xếp chạy dọc theo thân sarong.

Điều đặc biệt là ngoài chiếc sarong bên trong, tượng Tara còn mặc thêm bên ngoài một chiếc sarong nữa. Chiếc sarong bên ngoài được vận rất khéo: Sau khi đã choàng và ôm sát lấy hai chân ở phía sau, hai mép dưới được kéo chéo lên để vấn vào thành một dạng cạp váy trước bụng.

PGS.TS Ngô Văn Doanh cho rằng, tượng Tara có một điểm đáng chú ý là sarong của tượng được vắt vào trong và áp vào chiếc sarong bên trong. Trong khi các tượng khác cùng phong cách thì thân giữa dài của sarong được vắt ra ngoài.

 

 

 

 

Theo nghiên cứu, hai vật trong tay của nữ thần Tara chính là hoa sen và tù và ốc.


Vì sao tượng Tara là nữ?
 

Theo các nhà nghiên cứu, xét những biểu hiện đặc trưng nhất như các vật cầm tay là hoa sen và tù và ốc, cách thể hiện mình trần thì tượng Tara ở Đồng Dương chính là Avalokitesvara. Thế nhưng, điều lạ là tượng Avalokitesvara của Đồng Dương lại là tượng nữ, trong khi phần lớn loại tượng này ở khu vực Đông Dương lại là tượng nam. Đây cũng là điểm gây sự chú ý lớn cho giới nghiên cứu và các nhà khảo cổ học.

"Những tác phẩm điêu khắc đặc sắc cùng thời với tượng phật đồng Tara mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương Bắc, kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ IX".
Ông Đinh Hài (Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam)

 

Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Văn Doanh cho biết, theo các tài liệu thành văn cũng như các tác phẩm nghệ thuật có được thì bồ tát Avalokitesvara thường được mô tả và thể hiện cùng với người vợ của mình là Tara Trắng và với tính nữ của mình là Tara Xanh. Việc thể hiện và thờ phụng các Tara thường phổ biến ở vùng Bắc Ấn Độ và vùng Tây Tạng thời xưa.


Tại khu vực Đông Nam Á, trong nghệ thuật và tôn giáo của miền trung đảo Java thế kỷ VIII - IX, bồ tát Tara được thờ trong một ngôi đền dựng năm 779 ở Prambanan. Thế nhưng, ở Chămpa, trong tôn giáo cũng như trong nghệ thuật, nữ thần Tara chưa bao giờ xuất hiện. Hơn thế nữa, trong nghệ thuật, các Tara được thể hiện và xuất hiện với những biểu hiện không hoàn toàn giống của Avalokitesvara.

Theo các nhà nghiên cứu, các Tara thường được thể hiện ngồi và thường cùng với các hiện hình của mình hay với các vị thần khác. Chỉ trong trường hợp được thể hiện cùng hay bên cạnh Avalokitesvara như người vợ hay như tính nữ, thì Tara mới được thể hiện đứng.

 

"Với tất cả những biểu hiện (hai tay cầm hoa sen và tù và ốc) và cách thể hiện (mình trần và đứng), tượng phật đồng Đồng Dương chính là Avalokitesvara dưới dạng nữ chứ không phải là tính nữ hay vợ của bản thân bồ tát", PGS.TS Ngô Văn Doanh nhấn mạnh.