Sanskrit

Ban chủ nhiệm khoa

Ban chủ nhiệm khoa 2022-2027

Trưởng khoa: HT.Thích Nguyên Giác

Phó khoa: SC.TS. Thích Nữ Thanh Trì

Ban chủ nhiệm khoa 2020-2022

Trưởng khoa: HT.Thích Nguyên Giác

Phó khoa: SC.TS. Thích Nữ Thanh Trì

Ban chủ nhiệm khoa 2006-2009

Trưởng khoa: GS.TS. Lê Mạnh Thát

Phó khoa: TT. Thích Nguyên Giác

                       TT.TS. Thích Giác Dũng

 

Ban chủ nhiệm khoa 2009-2019

Trưởng khoa: HT. Thích Nguyên Giác

Phó khoa: TT.TS. Thích Giác Dũng

 

Các giảng viên tiêu biểu

GS. Lê Mạnh Thát

HT. Thích Nguyên Giác

TT.TS. Thích Nhật Từ

TT.TS. Thích Giác Dũng

ĐĐ.TS. Thích Nguyên Tấn

ĐĐ.TS. Thích Đồng Lực

SC.TS. Thích Nữ Thanh Trì

TS. Nguyễn Tiên Yên

NNC. Lê Tự Hỷ

PGS. Phạm Anh Dũng - Nhật Trí

Giới thiệu khoa

Thành lập năm 2006, khoa này có tên gọi là khoa Phật giáo Phạn Tạng, sau đó đổi thành khoa Sanskrit và hiện nay là khoa Phật học Sanskrit.

Ngành Phật học tại các nước tiến bộ chú trọng phương pháp văn bản học, dựa trên những nguồn tài liệu Phật giáo bằng tiếng Sanskrit, kết hợp với các bản dịch trong Đại tạng kinh chữ Hán và chữ Tây Tạng. Khoa Phật học Sanskrit được xem là ngành học chiến lược, chú trọng văn bản học, với đội ngũ giảng viên là những nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản. Khoa này đặt mục tiêu đào tạo các chuyên gia Phật học Sanskrit cho Phật giáo Việt Nam.

Mục tiêu đào tạo

Bên cạnh cung cấp những kiến thức nền tảng của ngành Phật học, khoa Phật học Sanskrit giúp sinh viên làm quen với các văn bản trọng yếu của Phật giáo.

Với phương pháp văn bản học từ nền tảng cổ ngữ và với tư tưởng từ những điển tịch Phật giáo, khoa này giúp người học chủ động tìm hiểu Phật giáo và lý giải các vấn đề liên quan. Mục tiêu của khoa là đào tạo cho sinh viên nền tảng giáo dục cơ bản để tự học, tự nghiên cứu sau này.

Chương trình đào tạo Đại học

 

 

MÔ TẢ MÔN HỌC

SANS162 Văn học Sanskrit Phật giáo giới thiệu những thông tin liên quan các văn bản Phật giáo tiêu biểu vốn được truyền trì bằng ngôn ngữ Sanskrit, bao gồm kinh luật luận của hệ Phật giáo Bắc truyền Ấn Độ khoảng từ thế kỷ thứ 1 TTL đến TK thứ 13 STL. Đại khái xoay quanh các phương diện: a) Về tình trạng văn bản, b) Những thành quả đã được học giới làm sáng tỏ hiện nay, c) Nội dung tư tưởng, tư tưởng sử của văn bản, d) Tầm ảnh hưởng của nội dung tư tưởng văn bản ấy trong tư tưởng, văn hoá và tín ngưỡng của cộng đồng Phật giáo. Mục đích giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về sự hình thành và phát triển của Phật điển Bắc truyền; Chuẩn bị kiến thức cơ sở để học tập và nghiên cứu văn bản Phật giáo Bắc truyền Ấn Độ ở bậc cử nhân và sau đó.

SANS301 Triết gia Phật giáo giúp sinh viên hiểu thấu đáo về hệ thống tư tưởng từ thời nguyên thủy, bộ phái tiểu thừa, cho đến đại thừa Phật giáo; giúp nắm bắt về hành trạng, tư tưởng và tác phẩm của từng triết gia Phật giáo Ấn Độ vốn là di sản cần thiết cho người nghiên cứu học Phật.

SANS302 Kinh A-di-đà (Sukhāvatīvyūhasūtra (lược bản)) là bản kinh tiêu biểu cho hệ văn bản tư tưởng tịnh độ, được truyền tụng phổ biến từ xưa nay trong truyền thống Phật giáo Đông Á, kể cả Việt Nam. Môn học này bao gồm luyện tập đọc hiểu văn bản Sanskrit (phân tích từ vựng, ngữ pháp, và cấu trúc câu của toàn bộ văn bản); giới thiệu tổng quát về nội dung, lịch sử văn bản Sukhāvatīvyūhasūtra; và khái quát mối liên hệ giữa tư tưởng tịnh độ của Kinh Di đà với tư tưởng tái sinh như ý của các hệ tư tưởng khác. Nhằm mục đích hiểu rõ một hệ tư tưởng tín ngưỡng phổ biến của Phật giáo Bắc truyền.

SANS303 Kinh Phổ Môn (Samantamukhaparivarta) cũng được triển khai nhằm mục đích: Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản kinh Phổ Môn tiếng Phạn và tìm hiểu về tín ngưỡng Phổ Môn, tín ngưỡng Pháp Hoa của Phật giáo Bắc truyền.       Kinh Phổ Môn là một điển tịch được ưa chuộng, được phổ biến từ rất sớm, tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong truyền thống Phật giáo Bắc Truyền, cũng là một bản kinh vẫn được trì tụng trong các tự viện Việt Nam hiện nay. Sinh viên sẽ được tiếp xúc với bản kinh với nội dung quen thuộc nhưng từ nguyên điển Sanskrit, được cơ hội tư duy để hiểu cặn kẽ về một tín ngưỡng phổ biến vốn đã tạo nên sắc thái tôn giáo đặc trưng của Phật giáo Đại thừa.

SANS304 Giới thiệu đại tạng Tây Tạng trong hai bộ Đại tạng của Phật giáo Đại thừa được phiên dịch là Tạng văn và Hán văn, Đại tạng bằng chữ Tây Tạng được nhận định là dịch sát nghĩa với chữ Sanskrit, vì chữ Tây Tạng được hình thành trên nền tảng của chữ Sanskrit, rất có giá trị để nghiên cứu hệ Phật điển Sanskrit. Môn học này nhằm giới thiệu tổng quát hệ thống kinh điển thuộc ngôn ngữ này, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan và hiểu về đặc điểm của Đại tạng kinh Tây Tạng; ngoài ra cũng sẽ giới thiệu nội dung của những bộ kinh chính.

SANS307 Tổng quan văn học Sanskrit giúp học viên nắm vững lịch sử hình thành và phát triển của Văn học Sanskrit; phân biệt được Văn học Sankrit nói chung với Văn học Sanskrit Phật giáo; trang bị đủ kiến thức và kỹ năng phân tích được một số tác phẩm nổi bật về nội dung, giá trị tư tưởng và đóng góp của các tác giả qua các thời kỳ phát triển của nền văn học Sanskrit.

SANS314 SANS315 Phạn ngữ nâng cao 1 2 nhằm mục đích nâng cao kĩ năng tiếng Phạn cho sinh viên chuyên ngành Phật học Sanskrit sau khi đã học xong 12 tín chỉ cổ ngữ cơ bản.          

SANS316 Kinh Bồ-tát Địa Trì trong môn học này, cùng với việc triển khai nội dung giới luật của bồ tát trong văn bản Bồ Tát Trì Địa kinh này, ngoài ra còn giới thiệu các bộ Luật của Phật giáo Đại thừa như Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp kinh,  Bồ Tát Thiện Giới kinh,  Ưu Bà Tắc Giới kinh,  Phạm Võng kinh, … giúp sinh viên biết về tình hình văn bản giới luật của Phật giáo Đại thừa. Mục đích để hiểu sự hình thành và tầm quan trọng của Giới luật Đại thừa trong tiến trình phát triển của Tăng đoàn, biết về những tính chất quan trọng của Giới luật trong đời sống Phạm hạnh.         

SANS322 Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo Ấn Độ trình bày kiến thức: 1) Tổng quan Phật Giáo Nam Á; 2) Tổng quan về đất nước và lịch sử Phật Giáo Ấn Độ; và 3) Mỹ thuật Phật Giáo Ấn Độ và kiến trúc Phật Giáo Ấn Độ. Song song với phần lý thuyết, sinh viên sẽ từng bước thực hành nghiên cứu một bài tập về Mỹ thuật và kiến trúc Phật Giáo Ấn điển hình của Ấn Độ hoặc Việt Nam mà sinh viên tâm đắc.

SANS323 Kinh Lăng-già (Laṅkāvatārasūtra) nội dung môn học sẽ tập trung vào: a) Giới thiệu tổng quát về niên đại xuất hiện, các bản Phạn ngữ hiện còn, ba bản hán dịch, và các dịch ngữ hiện đại; b) Tóm tắt nội dung, bố cục của Kinh; c) Khái quát các chủ đề cốt lõi của Kinh như: Tư tưởng Duy tâm, Hệ thống tám thức (Ālaya và bảy thức), năm pháp (paṅcadharmāḥ), ba tự tánh (Trisvabhāva ), ngôn ngữ trong nhận thức (vāgvikalpa), Như lai tạng …; d) Xử lí các thuật ngữ, hợp từ và cú pháp trong mỗi đoạn kinh tiêu biểu cho mỗi chủ đề cốt lõi; e) So sánh các điểm dị dồng giữa Phạn bản và các bản Hán dịch; f) khảo sát mối liên hệ giữa các tư tưởng chủ yếu của Laṅkāvatārasūtra với giáo lý duyên khởi, tánh không và nhận thức của A hàm, Văn học bát nhã, Trung luận, văn bản của phái Du già hành. 

SANS400 Luận Câu-xá (Abhidharmakośabhāṣya) giới thiệu nội dung của luận Câu Xá, rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản tiếng Phạn (một vài đoạn tiêu biểu). Bên cạnh đó sẽ cung cấp kiến thức tổng hợp liên quan về tác phẩm Câu-xá, triển khai các chủ đề chủ chốt của luận để có cái nhìn toàn diện về: a) giáo nghĩa chính yếu của Hữu bộ; b) những tư tưởng của các bộ phái khác biệt với Hữu bộ đương thời; c) những xung đột tư tưởng giữa phái bảo thủ và phái cấp tiến trong thời đại của Thế Thân. Câu-xá luận là tác phẩm nhận ảnh hưởng trực tiếp từ các tác phẩm trước đó của Hữu bộ, và có vị trí nền tảng để liên hệ đến học vấn, giáo nghĩa của Phật giáo Đại thừa Bắc truyền sau đó. Việc nắm vững bộ luận này là cơ sở để sinh viên có thể  thấy dễ dàng hơn khi tiếp xúc với học vấn Phật giáo Bắc truyền nói chung. 

SANS402 Kinh Kim cang (Vajracchedikā Prajñāpāramitā) được chia làm hai phần: (1) Luyện tập kỹ năng đọc hiểu và so sánh văn bản Sanskrit với các bản Hán dịch và bản tiếng Anh và (2) toát yếu tư tưởng chính của Kinh theo mỗi chương học tương ứng, cung cấp kiến thức về hệ tư tưởng Bát-nhã thông qua văn bản “Kinh Kim Cang”.

SANS406 Luận Đại thừa trang nghiêm kinh (Mahāyānasūtrālaṃkāra) là bộ luận mà tương truyền là giáo khoa thư cơ bản tại Ấn Độ khoảng trước thời Huyền Trang đến Ấn, tăng sĩ muốn hoằng pháp phải học qua luận này. Ngoài nội dung với những tư tưởng chủ chốt của học phái Du Già Hành như tam tánh, duy phân biệt, … những tư tưởng, những pháp hành của một hành giả đi theo bồ tát đạo đại thừa được liệt kê giới thiệu; và đặc biệt, tính hợp lý của Phật giáo Đại thừa cũng được luận bàn. Môn học này sẽ được triển khai theo hai phần: 1) học lý thuyết (nội dung tổng thể của tác phẩm và kiến thức tổng hợp liên quan chủ đề “Đại thừa Phật thuyết”); và 2) thực hành đọc hiểu văn bản (một vài đoạn tiêu biểu).

SANS412  Luận Trung quán Luận Trung Quán hay còn gọi là Trung Luận (Madhyamaka-śāstra), là tác phẩm của Long Thụ - luận sư đầu tiên của Phật Giáo Đại Thừa, khai tổ của học phái Trung Quán, một học phái lấy trước tác Trung Luận này làm điển tịch cơ bản, cho rằng tất cả mọi thứ do nguyên nhân & điều kiện mà sinh khởi (Duyên Khởi), không có tính chất cố hữu (Vô Tự Tính), cho nên là Không (Không Tính), và chủ trương Bát Bất Trung Đạo. Môn học này kết hợp cả việc đọc hiểu văn bản (vài trích đoạn tiêu biểu) và giới thiệu tư tưởng sử của học phái Trung Quán, giúp sinh viên nâng cao kĩ năng đọc hiểu văn bản sanskrit và nắm được tư tưởng cơ bản của một trong hai học phái chủ chốt của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ. 

SANS416 Luật tứ phần song song với việc tìm hiểu về những liên quan của Luật Tứ Phần, môn học này cũng Giới thiệu sáu bộ Luật của Phật giáo Bộ phái:  Vinaya Pitaka (nguyên ngữ Pàli)  của Thượng Tọa bộ, Tứ Phần luật (Hán văn) của Pháp Tạng bộ, Ngũ Phần luật (Hán văn) của Hóa Địa bộ, Thập Tụng luật (Hán văn) của Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ,  Tạng luật của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Hán văn và Tạng văn) và Ma Ha Tăng Kỳ luật (Hán văn) của Đại Chúng bộ. Nhằm hiểu biết tình hình văn bản giới luật của Phật giáo bộ phái; hiểu về sự hình thành và tầm quan trọng của Giới luật trong đời sống Phạm hạnh.

SANS417 Duy thức tam thập tụng (Triṃśikākārikā Vijñaptimātratā) được chia ra làm hai phần: (1) Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản Sanskrit; (2) giới thiệu nội dung tư tưởng và những điều cơ bản liên quan đến luận Duy Thức Tam Thập tụng này. Mỗi buổi học đều được triển khai theo hai phần trên. Duy Thức Tam Thập Tụng là tác phẩm của Thế Thân, thuộc học phái Du Già Hành, nội dung của tác phẩm bao gồm ba phần giáo thuyết cơ bản của hệ tư tưởng này, đó là: duy thức, tam tánh, và bồ tát đạo. Môn học nhằm rèn luyện việc đọc hiểu văn bản Sanskrit và cũng giúp sinh viên có kiến thức cơ bản để hiểu về một hệ tư tưởng lớn trong Phật giáo Đại thừa.

SANS418 Luận nhập chánh lý (Nyāyapraveśa) là tác phẩm cơ bản của hệ tư tưởng nhận thức luận - luận lý học Phật giáo. Môn học này sẽ triển khai tổng quan về Nhận Thức Luận – luận lý học Phật Giáo Ấn Độ, tổng quan về Nyāyapraveśa, và chú trọng việc đọc - dịch bản Phạn văn Nyāyapraveśa này ra Việt văn với việc phân tích cấu trúc ngữ pháp và từ ngữ tiếng Phạn.

SANS419SANS420 Cổ ngữ Tây Tạng 1 và 2 là môn học cổ ngữ. Nhắm tới việc giúp sinh viên nắm vững cơ bản ngữ pháp Tạng ngữ  để có thể đọc hiểu văn bản Phật giáo được phiên dịch và ghi chép bằng Tạng ngữ.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ
Chương trình đào tạo Tiến sĩ
Học tập và Nghiên Cứu
Cơ hội sau khi tốt nghiệp

Sinh viên khoa Phật học Sanskrit sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương những công việc giáo dục, trước tác và dịch thuật các tác phẩm Phật học.

Với phương pháp học chủ động, sinh viên có thể tự mình thích ứng với những hoàn cảnh, môi trường khác nhau.

Với nền tảng giáo dục tiêu chuẩn, được trang bị kiến thức về các cổ ngữ, sinh viên khoa Phật học Sanskrit sau khi tốt nghiệp sẽ đủ khả năng theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Hoạt động sinh viên
Sách và Tài liệu